|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Châu Minh là vùng đất có truyền thống văn hóa và bề dày lịch sử. Ngay từ buổi đầu khai làng lập ấp, nhân dân nơi đây đã chú trọng đến tín ngưỡng tâm linh, dựng xây đình, chùa, nhà thờ, miếu thờ... Những công trình đó đã minh chứng công lao kiến tạo văn hóa tâm linh và văn hóa vật thể của các thế hệ nhân dân nơi đây.

Hiện nay, tại 5 thôn của xã Châu Minh có 5 ngôi chùa, 4 ngôi đình (trong đó đình Ngọ Xá được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh), 5 miếu thờ, 2 nhà thờ đạo Thiên chúa, 1 am thờ... Dưới đây là một số di tích có giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử và kiến trúc:

Chùa Ngọ Khổng (thôn Ngọ Khổng) khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng, kết cấu kiến trúc hình chữ Công, gồm tiền đường rộng 03 gian 02 dĩ, ống muống 03 gian nối với thượng điện 03 gian. Các vì khung kết cấu thượng rường hạ kẻ, bổ cột đồng trụ, 04 hàng chân cột. Hệ thống tượng Phật trong chùa được đắp bằng đất và sơn thếp rực rỡ. Chùa hiện còn lưu giữ được tấm bia hậu phật dựng năm Bảo Thái. Hội lệ của chùa mở vào 12 tháng Giêng hàng năm. Ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh vào năm 2012. Đứng trước tình trạng xuống cấp trầm trọng do thời gian; năm 2019, Cấp ủy, chính quyền cùng toàn thể nhân dân Ngọ Khổng, các phật tử xa gần đã khởi công động thổ xây dựng mới ngôi chùa; đến nay ngôi chùa đã hoàn thành rất trang nghiêm và khang trang.

Chùa Ngọ Phúc (thôn Ngọ Phúc) khởi dựng vào thời Nguyễn, kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh, gồm tiền đường 05 gian 02 chái, thượng điện 03 gian, xây kiểu bình đầu bít đốc, có cột đồng trụ. Các vì mái chính kết cấu thượng con chồng, trụ giá chiêng, hạ con chồng cốn, 04 hàng chân cột, xà nách dài. Hệ thống tượng Phật bằng đất, sơn son thếp vàng tương đối hoàn chỉnh. Hội lệ chùa mở vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Chùa Ngọ Phúc được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh vào năm 2014.

Đình Ngọ Khổng (thôn Ngọ Khổng) được khởi dựng vào đầu thời Nguyễn, thờ đức thánh Tam Giang. Kết cấu kiến trúc của đình có hình chữ Đinh, gồm tòa đại bái rộng 05 gian, 02 chái, hậu cung rộng 03 gian, xây bình đầu bít đốc. Các vì mái kết cấu thượng con chồng trụ đấu kê, hạ kẻ chuyền, 04 hàng chân cột. Hiện nay, đình còn bảo lưu được khá đầy đủ các đồ thờ như long ngai, bài vị, hương án, bát bửu, chấp kích...

Đình Ngọ Phúc (thôn Ngọ Phúc) được xây dựng từ thế kỷ XVIII, thờ hai danh tướng Trương Hống và Trương Hát. Với kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh, đình gồm tòa đại đình 05 gian, xây theo kết cấu bình đầu bít đốc và hậu cung gồm 02 gian, hai bên hồi xây cột đồng trụ. Các vì mái chính kết cấu thượng con chồng trụ đấu kê, hạ kẻ chuyền, 04 hàng chân cột. Hiện nay, đình vẫn còn bảo lưu đủ các đồ thờ như long ngai, bài vị...

Đình Ngọ Xá được khởi dựng vào thời Nguyễn, thờ đức thánh Tam Giang nhưng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã bị dỡ đi. Trên nền cũ của đình năm xưa, dân làng đã hưng công để xây dựng ngôi đình mới theo lối kiến trúc chữ Nhị, gồm tòa tiền đình 05 gian 02 chái và hậu đình 03 gian, xây dựng bình đầu bít đốc. Các vì mái được kết cấu thượng con chồng giá chiêng, hạ kẻ, 05 hàng chân cột, các con chồng chạm khắc. Bức đại tự trong đình có đề 4 chữ Hán “Thánh cung vạn tuế”. Đình hiện vẫn còn lưu giữ được khá nhiều đồ thờ. Hội lệ của đình được tổ chức vào ngày 12 tháng Chín hàng năm. Năm 2017, cấp ủy, chính quyền cùng toàn thể nhân dân đã phục dựng và xây mới ngôi Đình khang trang và uy nghiêm. Năm 2008, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Đăng Khoa đã ký quyết định công nhận Đình Ngọ Xá là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Đền Long Ân (Long Ân từ) ở thôn Ngọ Khổng, xã Châu Minh, Hiệp Hòa (xưa là Lạc Khổng, Yên Việt, Kinh Bắc). Long Ân từ (dân gian thường gọi là Miếu Mái Gàn) là đền thờ cũng là nơi đặt phần mộ của Lệ Phúc hầu Nguyễn Đôn Mẫn. Ông sinh vào khoảng giữa thế kỷ XVII, làm quan cho phủ chúa Trịnh. Đền Long Ân được xây dựng và hoàn thành năm 1726 dưới triều vua Bảo Thái nhà Lê, hiện nằm tại xứ Đồng Am, bia làng Ngọ Khổng. Đền gồm 2 phần lăng và mộ nằm trong khuôn viên có diện tích gần 400m2, bình đồ hình chữ nhật (27mx14,5m), xây dựng theo hình thức cửa cuốn tò vò, bên ngoài được bao bọc bởi lớp tường xây bằng đá ong. Trên cổng có biển chữ Hán đề Long Ân từ. Từ cổng theo đường thần đạo vào trong khu tế tự có từng cặp ngựa đá, vũ sĩ, hương án đá đăng đối hai bên tả, hữu. Mộ Lệ Phúc hầu được đặt chếch về bên trái, xây bọc đá ong có bia đá đề 4 chữ Hán lớn “Nguyễn tướng công mộ”. Phía sau khu vực tế tự là nhà bia cũng xây bằng đá ong, dáng tháp chùa có hai tầng và phần đế dưới, chóp tháp phía trên, toàn bộ ngọn tháp này cao chừng trên 3m. Trong tháp đặt tấm bia đá tứ diện ghi về cuộc đời, đức hạnh, nghi lễ thờ cúng và khoản tiền ruộng mà ông công đức cho dân làng.

Đền Vường ở thôn Ngọ Khổng, xã Châu Minh, Hiệp Hòa; đền thờ Đức Tam Giang Trương Tôn Thần. Ngài sinh ra ở Vân Mẫu, mẹ là Đức Thánh Mẫu, có 4 em trai và 1 em gái cùng đẻ một bọc. Lúc bé ngài đã có nhiều điều xuất sắc, lớn lên ngài rất thuộc binh thư, tinh thông võ lược, là người tài giỏi. Năm 20 tuổi, ngài từng giúp vua Triệu Việt Vương dẹp giặc Lương. Sau khi dẹp giặc xong, Triệu Vương ban phong cho ông anh được hưởng thực ấp ở Trấn Kinh Bắc (Thời ấy các vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Đông Anh, Đa Phúc đều thuộc Trấn Kinh Bắc), ông em được hưởng thực ấp ở huyện Đông Ngàn (nay là huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông anh về làng Tiên Tảo, ông em về làng Tam Lư, nhân dân hai nơi đó đều chào mừng, xin lập đền ở chỗ đóng quân để bái yết lúc sinh thời và ngày sau làm nơi thờ cúng. Các ngài đều đồng ý và cho dân tiền vàng để tậu ruộng để chi phí đèn hương ngay từ đó. Trong nước đã yên, vua Triệu Việt Vương vào đóng kinh đô ở thành Long Biên. Lúc bấy giờ có người dòng dõi nhà vua Tiền Lý Nam Đế trước là Lý Phật Tử đem quân đánh chiếm nước ta nhưng không thành, xin giảng hòa. Anh em ngài can ngăn việc Triệu Vương gả con gái cho Lý Phật Tử nhưng không thành liền từ chức về quê làm ăn. Sau khi Lý Phật Tử diệt được Triệu Vương mời anh em ngài ra làm quan, nhưng anh anh em ngài không chịu phục, không ra. Rồi anh em ngài cùng gia đình tự đục thủng thuyền tự vẫn tại ngã ba Sà (thuộc làng Phương La, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vào ngày mồng mười tháng tư âm lịch.

Nghè Ngọ Phúc (thôn Ngọ Phúc) khởi dựng vào thời Nguyễn, thờ vọng thân mẫu đức thánh Tam Giang. Với kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh, nghè Ngọ Phúc gồm tiền tế 03 gian, 02 chái và hậu cung 02 gian, xây theo kiểu bình đầu bít đốc. Trên bờ nóc của nghè có đắp nổi ba chữ lớn “Thánh trung vương”. Các vì mái được kết cấu thượng con chồng, hạ kẻ chuyền, 04 hàng chân cột. Nghè hiện còn lưu giữ được nhiều đồ thờ bằng đá, đồng, gỗ, da... Hội lệ của nghè Ngọ Phúc được mở vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm.

Nhà thờ Ngọ Xá (thôn Ngọ Xá) được xây dựng năm 1910, nằm trên trục Đông - Tây, phía trước có dòng kênh xanh, cổng và cửa chính nằm ở hướng Tây. Là nhà thờ đạo Thiên chúa lớn nhất trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, công trình này gồm 09 gian, trong đó gian cung thánh có gác chuông lớn. Kết cấu các vì mái chính thượng cốn, hạ cốn kẻ có đầu dư chạm lộng, 04 hàng chân cột làm bằng gỗ lim. Gian cung thánh đặt ban thờ bằng gỗ, có đầy đủ hệ thống tượng thờ của đạo Thiên chúa.

Nhà thờ Ngọc Liễn (thôn Ngọc Liễn) được xây dựng vào năm 1938 theo kiến trúc kiểu gô-tích, gồm 07 gian giáo đường và 01 gian cung thánh. Các vì mái có kết cấu thượng rường hạ kẻ, bốn hàng chân cột bằng gỗ lim, gian gác chuông được kết cấu bởi 04 cột trụ lớn, 02 cột cao ở giữa vòm cuốn. Gian cung thánh vẫn còn đủ tượng thờ, nằm ở chính giữa là tượng đức Mẹ Ma-ri-a cứu độ nhân thế, bên trái là tượng trái tim, còn các gian khác đều có tranh thánh treo trên tường.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,124
Tổng số trong ngày: 4
Tổng số trong tuần: 76
Tổng số trong tháng: 2,645
Tổng số trong năm: 18,534
Tổng số truy cập: 41,425