|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Châu Minh nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng, nơi con người đến định cư từ sớm. Trải qua thời gian, con người trên mảnh đất này đã dựng nên xóm làng trù phú. Con người Châu Minh cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất; trong đấu tranh chống ngoại xâm luôn kiên cường, mưu trí, dũng cảm. Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, truyền thống ấy, càng được phát huy và toả sáng trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Phật giáo được du nhập vào địa bàn xã từ khá sớm. Từ thời phong kiến, nhiều ngôi chùa đã được khởi dựng. Hằng năm, nhà chùa tổ chức các ngày lễ Phật theo nghi lễ truyền thống vào các kỳ: lễ Phật đản (15/4), lễ Phật thành đạo (15/12), lễ Vu lan và lễ cúng cô hồn, phổ độ chúng sinh (15/7).

Bên cạnh đạo Phật, tín ngưỡng dân gian của người dân Châu Minh rất đa dạng: thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Thành hoàng, thờ Mẫu, thờ Thổ công, Táo quân... Trong đó, thờ cúng tổ tiên là truyền thống đạo đức tốt đẹp và lâu đời, thường thờ ở các nhà thờ họ hay trong mỗi hộ gia đình. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở nơi tôn nghiêm nhất trong nhà, thường là ở giữa nhà (gọi là đạo nhà). Thông thường, người dân Châu Minh cúng gia tiên vào ngày giỗ của người đã khuất không quá 5 đời (trừ cụ tổ khai sáng dòng họ hay chi, phái... thờ cúng không giới hạn về đời), còn các cụ xa (từ đời thứ 6 trở đi) thường cúng chung vào rằm tháng Bảy và khi gia chủ có làm kỵ nhật ai đó hoặc tuần, rằm, mùng Một thắp hương đều khẩn cầu, thỉnh mời các cụ về hưởng lễ. Xưa kia, ngày giỗ tổ của một số dòng họ (nhất là họ có gia thế) được tổ chức nghi thức cầu kỳ, có cả mục tế tổ rất trang nghiêm; ngày nay không còn họ nào duy trì. Vào ngày giỗ, hậu duệ chỉ sắm lễ vật, hương, đèn, cúng các cụ và gia tiên, hết tuần hương thì xin các cụ cho hạ lễ, con cháu quây quần hưởng lộc.

Cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, các thôn trong xã đều thờ Thành hoàng, với ý nghĩa cai quản, che chở, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khỏe mạnh. Việc thờ Thành hoàng cũng thể hiện truyền thống đạo đức của Nhân dân, tôn vinh công đức của vị thần đối với quê hương, đất nước. Những người đỗ đạt cao về quê thì trước nhất là bái Thành hoàng. Thành hoàng được thờ ở đình làng. Nghè làng là nơi hương khói và cất giữ đồ tế khí và các tài liệu liên quan đến việc phong tặng của triều đình, nghi thức thờ cúng, tế lễ, sự tích Thành hoàng... Dịp cúng tế Thành hoàng cơ bản diễn ra vào hai mùa xuân và thu “xuân thu nhị kỳ”, trùng với ngày sinh, ngày hóa thần. Vì người dân nơi đây hướng về đạo Phật có quan niệm “sinh gửi, thác về”, nên trọng ngày hóa (tức ngày giỗ) mà tổ chức thường trang trọng, linh đình hơn.

Tục thờ Mẫu có từ lâu đời nhưng phổ biến nhất là khoảng 30 năm trở lại đây. Hiện trong các ngôi chùa trên địa bàn xã đều có ban thờ Mẫu.

Việc thờ Thổ công, Táo quân, người dân ở Châu Minh quan niệm mỗi hộ gia đình đều có những vị thần riêng trong khuôn viên thửa đất đó là thần Thổ công, có vị thần chuyên chăm lo việc bếp núc, đèn lửa là Táo quân. Mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép về thiên đình trình báo một lần, cho nên để cầu mong một năm lúc nào bếp cũng đỏ lửa, thức ăn đủ đầy... các gia đình sắm lễ vật cúng Táo quân. Mâm cỗ cúng tùy theo mỗi gia đình nhưng không thể thiếu mấy bộ quần áo, mũ, hia, tiền vàng và con cá chép sống để làm lễ. Lễ xong hóa đồ vàng mã, cá chép đem phóng sinh để đưa Táo quân về trời.

Ngoài ra, ở Châu Minh còn có nhiều tiết lệ khác trong năm như: tết Nguyên đán, tết Thanh minh, tết Đoan Ngọ (05/5 âm lịch), tết cơm mới (10/10 âm lịch)... Những ngày này, mỗi gia đình thường sắm cỗ xôi, con gà, trầu cau, rượu, hoa quả, bánh kẹo... cúng gia tiên, Thần, Phật; riêng ngày 03/3 âm lịch làm bánh trôi, bánh chay; ngày 05/5 âm lịch ăn rượu nếp cái hoa vàng để diệt trừ sâu bọ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,403
Tổng số trong ngày: 9
Tổng số trong tuần: 155
Tổng số trong tháng: 2,724
Tổng số trong năm: 18,613
Tổng số truy cập: 41,504